Tiểu sử Nguyễn_Thị_Bảo

Thân thế

Thục tần Nguyễn Khắc Thị Bảo sinh ngày 30 tháng 7 (âm lịch) năm Tân Dậu (1801), là con gái của Tư không Nguyễn Khắc Thiệu, nguyên quán ở Bình Chương, Gia Định. Năm Gia Long thứ 13 (1814), bà Bửu nhập cung vào hầu vua Minh Mạng khi ông vẫn còn ở nơi tiềm để[1].

Nhập cung

Năm 1819, bà hạ sinh con trai đầu lòng là Miên Thẩm, hoàng tử có quý tướng. Vua Gia Long thấy vậy vui mừng, ban cho hai mẹ con bà 10 lạng vàng[2]. Thuở nhỏ Miên Thẩm hay khóc và nhiều bệnh, bà Bửu ngày đêm lo chăm sóc, tìm danh y chữa trị nhưng vẫn không thuyên giảm. Chưa đầy năm, hoàng tử càng khóc dữ dội, mắt mờ đi mà lại chảy máu[2]. Ðột nhiên có vị đạo sĩ tên Vân đến xin gặp bà và bảo: “Ðây là tinh khí của Thái Bạch Kim Tinh giáng xuống, làm lễ tiễn là khỏi”. Làm lễ xong thì hoàng tử nín khóc thật[2].

Năm 1820, vua Minh Mạng lên ngôi, bà Bửu được liệt vào hàng cung tần, dần phong tới chức Thục tần (淑嬪) ở hàng Tứ giai. Sử sách ghi lại, bà Thục tần có mối quan hệ khá thân thiết với Tiệp dư Lê Thị Ái, mẹ của Tuy Lý vương Miên Trinh.

Thục tần Nguyễn Khắc thị là người điềm đạm, giản dị, không ưa châu báu, chỉ thích thiên nhiên cây cỏ. Quanh viện Đoan Trang của bà có đủ các thứ hoa, bốn mùa lúc nào cũng có hoa nở hương thơm, lá xanh một góc trời. Mỗi sáng và chiều, bà đích thân cho bầy chim trong viện ăn, sau đó xách nước tưới hoa[3].

Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), bà Thục tần bị liên can đến án người nhà ăn trộm vàng, nên bị tước đoạt hết sách phong[4]. Năm sau (1837), bà được khôi phục làm Tiệp dư ở hàng Lục giai[4]. Năm Tự Đức thứ 2 (1849), Tùng Quốc công Miên Thẩm con trai bà cho xây Tiêu Viên và tâu xin vua cho rước mẹ về đó phụng dưỡng[1].

Ngày 17 tháng 8 (âm lịch) năm Tân Hợi, Tự Đức năm thứ 4 (1851), tiền triều Tiệp dư Nguyễn Khắc thị qua đời, hưởng thọ 51 tuổi[1]. Khi đó Tùng Quốc công dâng sớ xin cấp lại sách phong cho mẹ với lời lẽ rất thống thiết đau thương[2]. Vua Tự Đức động lòng, gia ân hoàn lại sách phong Thục tần cho bà Nguyễn Khắc thị[4], ban thụyĐoan Liệt (端烈)[1]. Tùng Quốc công đau thương hết lễ, dựng lều tranh ở cạnh mộ bà, để tang mẹ ba năm[2].